Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016
Bạn chờ đợi điều gì khi mang hàm răng giả mới?
Bây giờ bạn có một hàm răng trắng đẹp với đầy đủ 32 chiếc, thật khó có thể tưởng tượng khi bạn không còn cái nào và buộc lòng phải mang một hàm răng nhựa tháo lắp. Vậy khi điều này xảy ra, bạn trông chờ điều gì nào!!??
Miệng của chúng ta thì mềm và thay đổi theo thời gian nhưng hàm giả thì tương đối cứng và cố định. Do đó, hàm giả có thể sẽ cần điều chỉnh một vài lần và để cảm thấy thoải mái khi mang bạn cũng cần có thời gian và tập luyện để thích nghi với nó. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn “hòa hợp” với hàm răng giả mới và giữ cho miệng mình khỏe mạnh.
Ăn
Bắt đầu bằng ăn những miếng thức ăn nhỏ, mềm để tự tin hơn trước khi ăn theo chế độ bình thường của bạn và cố gắng nhai đều cả hai bên hàm.
Vệ sinh
Cần giữ cho miệng và hàm giả sạch sẽ. Rửa tất cả các bề mặt của hàm giả bằng xà phòng và bàn chải mềm hoặc bàn chải chuyên dụng giành cho hàm giả ít nhất mỗi ngày một lần. Không dùng bàn chải cứng vì nó sẽ làm trầy bề mặt bóng láng của hàm giả. Bạn có thể dùng dung dịch rửa hàm giả có sẵn trên thị trường hoặc pha dung dịch gồm 1 muỗng trà (4.74 ml) thuốc tẩy (Natri Hypochlorite 5%) vào 8 ounce (227 ml) nước.
Cẩn thận khi dùng thuốc tẩy, tránh nó ngâm hàm giả trong dung dịch thuốc tẩy hơn 15 phút. Rửa hàm giả dưới vòi nước chảy trước khi mang vào miệng.
Làm sạch và kích thích mô mềm trong miệng bằng bàn chải chuyên dụng ít nhất mỗi ngày 1 lần, đặc biệt là vùng mô có hàm giả bao phủ. Vi khuẩn và nấm dính trong các mảng bám tích tụ mỗi ngày trên bề mặt của hàm giả có thể gây khó chịu cho vùng nền hàm.
Cho miệng của bạn “nghỉ ngơi”
Hãy để cho miệng nghỉ bằng cách tháo hàm giả bất cứ lúc nào có thể, đặc biệt là khi ngủ. Bạn có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn bám trên hàm khi tháo hàm ra và đặt nó trong một cái hộp khô. Rửa sạch bằng nước trước khi mang vào miệng trở lại.
Làm thế nào để hàm giả vừa vặn trong miệng
Miệng của bạn phải được kiểm tra ít nhất mỗi năm một lần để chắc chắn rằng mô mềm trong miệng vẫn khỏe mạnh và lực do hàm giả tác động phân bố đều trên sống hàm. Hình dạng nướu cũng sẽ thay đổi khi sống hàm tiêu dần. Do đó, hàm giả phải được điều chỉnh theo thời gian để giữ cho nó khít sát, vừa vặn trong miệng. Tuy nhiên, đừng bao giờ tự mình điều chỉnh hàm giả.
Những vấn đề có thể bạn sẽ mắc phải
Tăng tiết nước bọt
Dòng nước bọt trong miệng sẽ tăng trong một thời gian ngắn sau khi bạn bắt đầu mang hàm giả mới. Đây là một đáp ứng thông thường của nước bọt và sẽ ổn định lại sau một vài tuần.
Đau
Những khó chịu nhỏ hoặc một số điểm đau dưới hàm giả mới là rất phổ biến. Tháo hàm ra để giảm đau nếu cần thiết. Tuy nhiên, bạn cũng nên cố gắng mang hàm trong vài giờ nếu có thể trước khi có ý định đi điều chỉnh lại vì điều này giúp ta biết được vị trí nào trên hàm giả cần được điều chỉnh. Đừng cố gắng tự mình chỉnh hàm.
Buồn nôn
Vấn đề này hiếm khi kéo dài lâu, tuy nhiên nếu nó vẫn dai dẳng thì cần chỉnh hàm lại.
Nói chuyện
Ban đầu, hàm giả mới có thể cản trở lúc bạn phát âm. Tuy nhiên, điều này thường không kéo dài sau vài ngày. Đọc to có thể giúp lưỡi và môi của bạn quen dần với hình dạng và vị trí của các răng mới.
Nguồn: The complete denture: a clinical pathway – M.I. MacEntee
Share this:
Loading...
One thought on “Bạn chờ đợi điều gì khi mang hàm răng giả mới?”
Liên Hương Diệu Nguyễn
APRIL 20, 2015 AT 5:58 AM
Bài trên khá đầy đủ nhưng cũng thêm 1 bài viết riêng cho Bn VN đọc phòng khi các bạn có thêm yếu tố:
HÀM GIẢ THÁO LẮP TOÀN PHẦN
( Removable complete dentures)
Hàm giả tháo lắp tòan phần thường được thực hiện cho người đã mất tất cả răng trong miệng, có khi là một hàm, trên hoặc dưới, có khi là cả hai hàm, cả trên và dưới. Hàm răng giả gồm một mặt đế bằng nhựa màu hồng giả nướu răng và niêm mạc miệng, gắn theo các răng bằng nhựa màu trắng ngà. Đế hàm trên rộng, che kín hết vòm khẩu cái. Đế hàm dưới hẹp và cong, dài, che từ phía sau môi cho đến phần nhánh lên của xương hàm dưới.
Hoàn thành một bộ hàm giả toàn phần đòi hỏi sự cẩn trọng, khéo léo và chính xác của người nha sĩ, sự tỉ mỉ thực hiện của phòng Lab và quan trọng nhất là sự hợp tác và xử dụng của bệnh nhân. Với tình thế mất hết răng, việc tiêu hóa thức ăn sẽ kém, sức khỏe sẽ suy sụp, sắc diện sẽ bị lão hóa, móm mém, xương không mang hàm giả sẽ bị tiêu mòn nhanh, đến một lúc muộn quá, muốn làm thì xương đã mòn, sống hàm gần phẳng, hàm răng không còn chổ tựa, mang không vững, dễ đau và rất khó dùng.Một bộ hàm giả tốt có thể nhai hầu hết mọi thức ăn, miễn là không quá cứng và quá dẻo, quá dai, cơ thể sẽ có đủ chất dinh dưỡng.
Hàm răng đẹp thì lúc bình thường hai môi khép vừa chạm vào nhau , nếp nhăn khóe miệng sẽ giảm, lúc nói phải thấy độ 2 mm răng cửa trên dưới làn môi , lúc cười sẽ phô hết chiều dài của răng, gương mặt bừng sáng, trông trẻ lại từ 5 đến 10 tuổi.
CHUẨN BỊ:
Điều kiện cần thiết để có thể thực hiện một bộ hàm giả tốt là xương sống hàm (alveolar ridge) phải no tròn, đều đặn, không lồi lõm hay có những gai xương sắc bén. Nướu răng che phủ bên trên phải chắc, không lều nhều (Flabby), không bị thương tổn.
Muốn được như vậy bệnh nhân ( Bn) cần được chuẩn bị từ khi nhổ răng. Một khi đã quyết định nhổ tất cả răng còn lại để làm răng giả toàn phần, nên chấp nhận nhổ các răng gần nhau cùng một lúc, nha sĩ có thể dùng phẩu thuật chỉnh đốn cho xương được liền lạc, nướu răng được cắt tỉa và khâu may cẩn thận, vết thương sẽ mau lành, ít chảy máu và sau đó mặt ngoài của xương sẽ đều đặn hơn, ít bị lởm chởm.
Nếu đã mất hết răng mà nướu răng không đủ tiêu chuẩn, những phẩu thuật cần thiết sẽ giúp cho xương và nướu tốt hơn để có thể xử dụng hàm giả ít trở ngại. Những thắng môi, thắng lưỡi và dây chằng trong miệng cũng nên chuẩn bị để không gây trở ngại cho việc mang hàm giả
LẤY DẤU:
Việc lấy dấu cho hàm giả phải được thực hiện rất tỉ mỉ, thông thường phải làm hai lần để có một dấu răng tương đối chính xác.
Sau đó sẽ thử khớp cắn và thử răng trước khi hoàn tất. Không nên làm tắt (short cut) cho nhanh nếu muốn có một hàm giả tốt, dùng được lâu dài. Thông thường thời gian thực hiện được hoàn tất trung bình là 1 tháng.
TẬP XỬ DỤNG:
Đây là giai đoạn quan trọng, cần sự hiểu biết tích cực và sự hợp tác kiên trì của Bn.. Hầu như tất cả mọi người mang hàm giả phải được điều chỉnh vài lần trứơc khi xử dụng được quen thuộc và hữu hiệu.
Bn.phải chịu đựng một thời kỳ căng thẳng về tinh thần và thể chất để tập dùng hàm giả, nhưng khi dùng quen rồi thì không có bảo vật nào quý bằng. Những vấn đề tạm thời:
Lúc mới mang, Bn. sẽ cảm thấy hàm giả rất cộm, lỏng lẻo, chông chênh . Thức ăn có thể lọt vào dưới hàm, nước bọt tiết ra nhiều hơn, lưỡi như thiếu chổ, có khi lợm giọng, muốn ói…
Giọng nói dễ bị thay đổi, phát âm khó khăn như bị đớ lưỡi
Khi nhai, hàm giả muốn nhớm lên, có những chổ cấn, đau. Cần phải xác định rõ để Nha sĩ dễ điều chỉnh.
CÁCH GIẢI QUYẾT
Cách giải quyết hữu hiệu nhất là lúc đầu phải mang hàm giả thường xuyên, suốt ngày đêm, với thái độ kiên nhẫn và quyết tâm, dù chưa ăn được. Thói quen sẽ giúp các bắp thịt miệng, má, môi, lưỡi giữ được hàm yên vị và tập nhai được. Có khi có thể dùng thêm chút keo dán cho quen lúc khởi đầu.
Xác định những điểm đau để Nha sĩ điều chỉnh, đừng nóng nảy, vội thua cuộc hay bi quan, than trách, phế bỏ không dùng. Mang hàm giả cũng tựa như đi một đôi giày mới, phải tự tập quen, không nên đòi hỏi phải chỉnh mỗi ngày, đôi lúc sẽ quá mức.
Có những hàm cũ dùng lâu năm, quen thuộc rồi, tựa như đôi giày đã mòn vẹt nhưng êm chân, dù đã sai lệch rất nhiều. Không nên giữ thói quen không đúng, có hại cho khớp hàm (TMJ).
Không có 2 hàm răng giống hệt nhau cũng không có 2 bộ xương hàm giống hệt nhau nhưng nếu thực hiện đúng và Bn. hợp tác với Nha sĩ thì hầu hết răng giả đều có thể dùng được. Thời gian tập quen phải mất vài tuần lễ, có khi vài tháng.
CÁCH ĂN:
Thức ăn lúc đầu phải mềm mà không dẻo, không dai. Cắt thức ăn thành miếng mỏng, nhỏ và nhai thật chậm bằng răng hàm bên trong. Khoan cắn bằng răng cửa, sau đó sẽ ăn thức cứng hơn khi quen dần. Hàm tốt có thể cạp bắp và ăn đậu phụng rang được khi đã nhuần nhuyễn. Tuyệt đối không cắn những hạt cứng như hạt dưa ngày Tết.
CÁCH BẢO QUẢN:
Sau khi ăn xong, phải súc miệng.
Mỗi ngày chà rửa hàm răng với bàn chải mềm và xà phòng. Giữ hàm giả trong hộp nước có nắp đậy khi không mang trong miệng.
Mỗi tuần nên ngâm vào loại thuốc dùng riêng cho hàm giả hay nước xà phòng có pha thêm một muổng bleach khoảng 5 đến 10 phút để tránh mùi hôi của thức ăn tích tụ lâu ngày, chứa vi trùng bệnh.
Nếu mới nhổ răng trước khi làm hàm giả thì 6 tháng sau nên đắp lại , bù vào phần xương đã tiêu đi khi lành.
Nếu răng đã nhổ lâu thì nên đi đắp lại mỗi năm nếu thấy hơi lỏng. Hàm giả lỏng lẻo va vào xương làm xương hàm mau tiêu hơn. Sau một thời gian, xương sẽ thấp xuống, hàm rất khó dính khi xử dụng.
Hàm giả dùng sau 5 năm nên làm lại nếu bị mòn, chiều dài của gương mặt sẽ bị giảm, trông già đi và có thể ảnh hưởng xấu đến khớp xương hàm gây chứng đau TMJ hay chứng nhức đầu rất khó chữa.
Răng giả có thể dùng gần như răng thiệt và… đẹp hơn răng thiệt. Quý vị có thể mất một món nữ trang mà không đau khổ bằng mất một bộ răng giả vừa ý!
Nguyễn Diệu Liên Hương DDS.
13161 Brookhurst St. Garden Grove, CA. 92843
(714) 539-4140
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét